Hôm nay chắc cái trend được chia sẻ mạnh nhất trên mạng xã hội chính là clip của một người nào đó vít ga CBR1000RR-R trên đại lộ Thăng Long. Câu chuyện đi sai thế nào, sai bao nhiêu và phạt như thế nào thì xin phép không đề cập nữa, vì đó là việc của các cơ quan quản lý.
Câu chuyện này phần nào cũng chứng minh được một điều, nhiều anh em đam mê tốc độ lắm, nhưng không có không gian (những đường đua chuyên nghiệp), và quan trọng nhất là điều kiện (tiền) để thỏa mãn đam mê. Không phải ai cũng có sẵn trong tay gần tỷ Đồng để mua CBR1000RR-R. Mà mua về rồi thì chạy ở đâu để vừa an toàn vừa trải nghiệm được hết khả năng của cỗ chiến mã?
Và điều đấy khiến mình cảm thấy phải giới thiệu cho anh em cái trò mình đang chơi mấy tháng nay, đấy là Ride 4 của Milestone s.r.l. Hãng game nước Ý này đã từng có lần mình giới thiệu tới anh em, thông qua bài review MotoGP 20, phiên bản game sở hữu bản quyền hình ảnh, xe cộ và thương hiệu của tất cả các đội đua thuộc giải MotoGP.
Nếu như MotoGP 20 hướng đến bộ môn thể thao tốc độ một cách chuyên nghiệp, với những thông số chi tiết để anh em tùy chỉnh, tạo ra lợi thế lớn nhất có thể trên mỗi đường đua, thì Ride 4 lại là một trải nghiệm khác, chill hơn, vui vẻ hơn, và gần gũi hơn, vì tất cả những cỗ xe xuất hiện trong tác phẩm này đều là những sản phẩm thương mại, dù hiếm hay phổ biến, chúng đều được bán ra thị trường cho mọi người mua về sở hữu.
Game hiện tại đang bán trên Steam giá có hơn 200 ngàn: TẠI ĐÂY
Đấy chính là điểm cộng đầu tiên của Ride 4. Dù anh em mê những chiến mã của thời nào, như Honda NS400R đời 1985, Ducati 916 1994, CBR 1000RR Fireblade đời 2005, hay YZF-R1 đời 2020, Ride 4 cũng chiều dược anh em. Thậm chí những chiếc xe cực hiếm, không phải có tiền muốn là mua được cũng hiện diện, như Ducati Desmosedici RR (chiếc này hồi năm 2007 ra mắt là bản road legal của Desmosedici, giới hạn 1.500 chiếc), hay thậm chí Honda RC181 1967 huyền thoại của tay đua Mike Hailwood. Game về đua mô tô ở thời điểm này đã hiếm, mà khối lượng đồ sộ gần 200 mẫu xe từ trước tới nay cũng lại khiến Ride 4 trở nên rất cuốn hút.
Ấy là chưa kể, Milestone rất chăm chỉ ra nội dung mới, bao gồm cả những chiếc xe mới lẫn những đường đua, sự kiện đua mới cho anh em thưởng thức. Theo kế hoạch của Milestone, với Season Pass đi kèm Ride 4, sẽ có tới 65 chiếc xe “mới” được các nhà làm game thiết kế, hoàn thiện và cập nhật liên tục. Lấy ví dụ gần đây DLC của Ride 4 cho anh em trải nghiệm Yamaha FZ-1N 2009 và Suzuki GSX-R 1000 2014. Những món ăn lạ cũng hiện diện, như chiếc xe điện Harley Davidson Livewire, hay Suter 500 MMX, con quái vật máy 2 thì hơn 500 phân khối, đủ sức kèn cựa với những cỗ máy 1000 phân khối 4 thì.
Viết dài dòng như vậy âu cũng chỉ chứng minh một điều, trong Ride 4, lựa chọn là vô vàn. Dù rằng cũng phải thừa nhận, các nhà làm game dù là người Ý nhưng cảm giác hơi ưu ái quá mức các hãng xe Nhật Bản. BMW chỉ có nhõn một mẫu S1000RR, trong khi Yamaha YZF-R1 đời nào cũng xuất hiện trong game. Nhưng bù lại, nếu muốn trải nghiệm những chiếc Aprilia hay MV Agusta, game cũng có đủ mẫu xe để chiều lòng anh em.
Vậy Ride 4 chơi như thế nào? Nói thẳng là hơi ngợp. Chơi đua ô tô mô phỏng đã khó, xe máy thậm chí còn khó hơn. Vì chúng chỉ có 2 bánh, đôi khi vào cua ga quá đà thì không chỉ văng khỏi đường đua lý tưởng, tạo cơ hội cho đối thủ, mà còn ngã hẳn ra rìa luôn. Tương tự ở tốc độ cao, downforce đôi khi còn phụ thuộc vào chính cơ thể của tay đua có “núp gió” hiệu quả hay không nữa. Vào cua nếu phanh không cẩn thận, nhẹ thì sẽ bị khóa bánh trước, dẫn đến “bốc đít”, nặng thì trật bánh, ngã.
Những thứ đó, như mình đã nói, chưa bao giờ phải trải nghiệm trong game đua ô tô mô phỏng. Giờ không chỉ phải để ý đến ga, đến phanh, đến đánh lái, mà còn phải kết hợp cả phanh trước phanh sau, kết hợp vị trí cơ thể và kết hợp vừa vào cua vừa vít ga một cách hợp lý.
Khi đã quen với cơ chế vật lý cũng như cách điều khiển xe, hiểu cách phanh trước và phanh sau hoạt động như thế nào, anh em sẽ chuyển đến phần tắt hết những tính năng hỗ trợ game đưa ra, từ hỗ trợ phanh kết hợp, đường đua tiêu chuẩn thông báo cho anh em biết khi nào nên giảm tốc khi nào cần vào ga. Nhưng chính sự ngợp đó lại khiến cảm giác vít ga xé gió nhưng vẫn đi đúng vào điểm lý tưởng của một khúc cua, vượt qua đôi ba đối thủ cùng một lúc ở một khúc cua nhờ vào khe hở chỉ mới tồn tại chưa đầy một giây trước đó trở thành cảm giác thống khoái nhất mỗi chặng đua.
Làm quen tất cả những điều đó, thì chúng ta mới sang được trang mới, đó là kết hợp tất cả những kỹ năng đã học được từ lúc cầm lái, kỹ năng ga, phanh, vào cua, tăng tốc,… để giành chiến thắng trong những cuộc đua, cho dù đó là chơi với AI hay với những tay đua khác thông qua multiplayer.
Cái mình thích nhất ở Ride 4 là nó không đem lại bầu không khí căng thẳng như MotoGP 20. Anh em hoàn toàn có thể chọn một đường đua, chọn xe rồi đua theo dạng Time Trial, rồi thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc, giống hệt như lúc muốn ra đường chạy xe cho khuây khỏa vậy.
Âm thanh của khối động cơ 1 nghìn phân khối bỗng dưng trở thành thứ tiếng động vô cùng thư giãn, khi đôi mắt và đôi tay của anh em dán chặt vào từng khúc cua, từng cung đường của mỗi đường đua. Khi ấy, anh em không phải ganh đua với ai cả, chỉ mình mình tận hưởng cảm giác tốc độ mà thôi. Mà như trong screenshot ở trên, CBR1000RR FireBlade SP chạy ở Monza cũng đâu kém ai đâu?
Một điểm cộng khác mà Milestone đã thành công với Ride 4 chính là cơ chế mô tả vật lý đã trở nên vô cùng chính xác, tạo ra cảm giác dù ngồi một chỗ với chiếc tay cầm chơi game, nhưng “cảm giác lái” vẫn rất dễ nhận ra. Anh em sẽ biết khi nào bóp phanh sau khiến đuôi xe văng ra vì quán tính và lực ly tâm, và cũng sẽ biết khi nào mất lái để điều chỉnh lại cho đúng. Cảm giác phanh từ 300km/h xuống 75 km/h để vào cua có lẽ không thể chân thực được vì chẳng có lực nào tác động được lên cơ thể khi chơi game, nhưng về mặt hình ảnh, cảm giác là rất đã, và đương nhiên có một chút sợ nữa.
Khi thi đấu với máy, anh em sẽ phải đối mặt với một bộ neural engine có tên là A.N.N.A. (Artificial Neural Network Agent), do Milestone phát triển. Nó có khả năng học hỏi cách anh em chơi game, học cách anh em điều khiển xe, để từ đó tạo ra những thử thách lớn hơn để anh em vượt qua. Nhờ AI này, những nhân vật máy trong game không hành xử đúng như những cỗ máy, mà trái lại, chúng biết và có thể thử nghiệm những thứ gì đó mới, ví dụ như chạy chệch ra khỏi con đường lý tưởng để thử cố gắng vượt đối thủ từ bên ngoài, khi có thể đạt tốc độ cao hơn chẳng hạn.
Nghe thì có vẻ hấp dẫn và tiềm năng, nhưng đôi khi, AI của game hơi bá đạo quá mức, với những pha xử lý vào cua chẳng thua gì những tay lái đẳng cấp đang ngự trị ở bộ môn MotoGP cả. Thêm vào đó, chế độ chơi đơn khó đến mức vô lý, và cũng không ít lần mình gần như bỏ cuộc vì không tài nào kiếm thêm được tiền mua những cỗ xe mới mà bản thân đang thèm muốn trong game.
Nhưng rồi, hai chế độ multiplayer và time trial lại lôi kéo mình quay lại để thư giãn. Chưa kể, cảm giác được ngắm nhìn những mô hình chiến mã được dựng trong môi trường 3D thế giới ảo cũng rất ấn tượng. Ride 4 không chỉ nhiều xe, mà mỗi cỗ xe còn vô cùng chi tiết.
Anh em có thể thấy ánh nắng mặt trời phản chiếu lên từng bề mặt, từ kim loại của tay lái, đến kính xe hay những chi tiết nhựa của cụm điều khiển đèn và còi xe ở hai bên tay lái. Nhưng có điều hơi đáng tiếc ở đây, đó là dù Milestone cố gắng chăm chút cho từng chi tiết của xe, vẫn có vài khu vực chất lượng texture không cao như những khu vực khác. Lấy ví dụ đơn giản chính là logo Honda ở dashboard chiếc CBR trong tấm screenshot mình up ở trên. Những chi tiết khác như bình dầu phanh, gương chiếu hậu hay màn hình, công tắc nhìn rất đã, nhưng logo của xe trên tay lái lại khá lạc điệu.
Bù lại, chế độ Photo Mode, với khả năng bắt chuyển động mô phỏng cảnh chụp những chiếc xe khi đang chạy ở tốc độ một hai trăm km/h, mọi thứ xung quanh nhòe đi để bắt nét vào chiếc xe, lại là một món ăn tinh thần khác giữ chân mình với trò này. Một điểm cộng khác là game khá nhẹ, không phải một tác phẩm đòi hỏi sức mạnh phần cứng khủng mới có thể phát huy hết vẻ đẹp.
Nói một cách thẳng thắn, Ride 4 không dành cho tất cả mọi người. Cơ chế vật lý của nó gần như hoàn hảo (chỉ thiếu mỗi khả năng mô phỏng flat spot trên lốp xe khi bị khóa bánh), và cách chơi của nó không hề đơn giản như những game đua xe casual thư giãn.
Nó được Milestone tạo ra phục vụ cho những người thực sự đam mê, thực sự muốn trải nghiệm cảm giác cầm lái những chiến mã siêu mạnh với phản hồi chính xác hệt như ngoài đời thực, và cũng vì thế, để thực sự “cầm cương” một cỗ máy tốc độ như thế này, không dễ một chút nào cả. Nhưng đấy cũng chính là thành công của Milestone, khi kết hợp được nền tảng đồ họa tuyệt mỹ dựa trên Unreal Engine 4, với engine vật lý mô phỏng từng cỗ xe, vít ga đến đâu là đã tay đến đấy.
Và như đã nói, nếu MotoGP 20 là một tác phẩm cho anh em thích “ăn thua”, và mê cảm giác vào vai một tay đua nổi tiếng, thì Ride 4 lại thoải mái hơn, thư giãn hơn, và gần gũi hơn rất nhiều. Đó mới chính là những điều vài người tìm kiếm khi chọn một game đua xe mô phỏng.
Nguồn: Tinh tế
Cùng CMC Distribution cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích hàng ngày NGAY TẠI ĐÂY nhé.